Hội nghị trực tuyến về xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025
Sáng 28/02/2025, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến về xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị tỉnh và kết nối trực tuyến đến 10 điểm cầu các huyện, thành phố. Đại biểu mời dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Tham dự Hội nghị có các Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND và chuyên viên các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và cán bộ chuyên môn liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Trong năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh ước đạt 25,5%; lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; lập quy hoạch phân khu/quy hoạch chung đạt 13,6%; lập quy hoạch chi tiết/quy hoạch chung đạt 2,71%; diện tích bình quân nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 25,9 m² sàn/người; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 87,7%. Trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt 133/138 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; giới thiệu địa điểm xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch 32 hồ sơ; đã và đang triển khai 9 dự án phát triển đô thị; hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 12.091 hộ, với tổng số kinh phí 479,315 tỷ đồng; thẩm định 12 dự án với tổng mức đầu tư 1.709.928 triệu đồng. Công tác quản lý trật tự đô thị và chỉnh trang đô thị được UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn tỉnh đã cấp 1.000 giấy phép xây dựng; riêng UBND thành phố cấp được 622 giấy phép xây dựng…
Tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh năm 2024 được phân bổ chi tiết là 6.285.280 triệu đồng, gồm vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 1.415.553 triệu đồng; vốn năm 2024 là 4.869.727 triệu đồng. Kết quả giải ngân vốn năm 2024 là 5.127.319/6.285.280 triệu đồng, đạt 81,6% kế hoạch vốn đã phân bổ, cụ thể: vốn đầu tư công năm 2023 kéo dài sang năm 2024 đã giải ngân là 1.184.722/1.415.553 triệu đồng, đạt 83,7% kế hoạch. Vốn đầu tư công năm 2024 đã giải ngân là 3.942.597/4.869.727 triệu đồng, đạt 81,0% kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân năm 2024 cao hơn 14,8%, tương đương 757.894 triệu đồng.
Năm 2024, toàn tỉnh có 32 chủ đầu tư, trong đó 22 chủ đầu tư cấp tỉnh là các sở, ban ngành, có 12 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình; 09 Chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình; 01 chủ đầu tư không đánh giá là Quỹ phát triển đất do việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ phụ thuộc vào nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh và trong năm 2024, Quỹ phát triển đất được thông báo số vốn là 5.000 triệu đồng. 10 chủ đầu tư cấp huyện (10 huyện, thành phố) đã giải ngân 2.000.574/2.623.764 triệu đồng, đạt 76,2% KH, Trong đó có 06 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên trung bình; 04 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình.
Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, đến thời điểm hiện tại đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư thực hiện là 4.262.922/4.391.909 triệu đồng, bằng 97,1% kế hoạch theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 được Thủ tướng giao, cụ thể: Vốn ngân sách địa phương, đã phân bổ: 978.940/1.028.940 triệu đồng. Vốn ngân sách Trung ương, đã phân bổ: 3.283.982/3.362.969 triệu đồng. Tính đến hết ngày 25/02/2025, kết quả giải ngân của tỉnh ước đạt 136.369/4.262.922 triệu đồng, đạt 3,2% kế hoạch.
Đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn các chương trình ngay từ đầu năm 2024. Việc phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình được thực hiện đảm bảo theo Luật ngân sách và Luật Đầu tư công. Công tác kiểm tra, giám sát chỉ đạo giữa các cấp được tiến hành thường xuyên, đảm bảo các Chương trình được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.
Đồng chí Nông Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến một số nội dung giải ngân thấp. Nêu vướng mắc và đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng); gỡ khó về vật liệu đất đắp để giải quyết tình trạng thiếu đất đắp cho các dự án trọng điểm của tỉnh; chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số mỏ đá trên địa bàn huyện Bảo Lâm; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đã được phê duyệt và tiến độ thi công các dự án đang triển khai thực hiện… Đồng thời đề ra các giải pháp để từ đó sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và tốt hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Năm 2025 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Nếu kết quả giải ngân năm 2025 đạt thấp sẽ kéo theo việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh không đạt, nhất là với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên theo Kết luận số 123-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Do vậy, để làm tốt công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2025, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị chủ đầu tư phải tập trung nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, kiên quyết khắc phục khó khăn, vướng mắc, tận dụng những điều kiện thuận lợi, chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó: Đối với công tác xây dựng cơ bản đề nghị các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành phố phân bổ vốn kịp thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý để đẩy nhanh việc hoàn thiện công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị, bố trí vốn, cân đối nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt; tránh đầu tư dàn trải. Khẩn trương thực hiện việc chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công khi thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của tỉnh. Rà soát các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thủ tục trình tự đầu tư xây dựng; tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cung ứng cho công trình. Tăng cường công tác thẩm định, quản lý chất lượng xây dựng, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, quy chế quản lý xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác kiểm tra, công tác cấp Giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch các quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện tốt việc tổ chức lựa chọn các nhà thầu khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, tư vấn giám sát đảm bảo đáp ứng về các yêu cầu về năng lực tài chính, năng lực nhân sự, thiết bị và kinh nghiệm. Thường xuyên kiểm tra hiện trường để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn từng dự án, đảm bảo chất lượng công trình.
Đối với công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư chủ động triển khai phân bổ ngay kế hoạch vốn được giao; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư, giao nhiệm vụ cá nhân phụ trách đến từng dự án, chịu trách nhiệm theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện dự án; thực hiện tạm ứng, hoàn tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư ngày khi có khối lượng. Rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khả thi, kịp thời để giải quyết dứt điểm các vướng mắc cố hữu như: Giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường; Quy hoạch xây dựng quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất; vị trí bãi đổ thải; thủ tục chuẩn bị đầu tư,… Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tích cực, chủ động hướng dẫn chủ đầu tư, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các dự án khởi công mới trong năm 2025 đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng để sớm đưa công trình vào thi công xây dựng; đối với các dự án đã hoàn thành, cần đẩy nhanh công tác thanh toán.
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Cao Bằng