Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NHỮNG NỘI DUNG NHÂN DÂN BÀN VÀ QUYẾT ĐỊNH
  1. Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp (theo Điều 10. Pháp lệnh 34)

- Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí.

- Các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

  1. Hình thức nhân dân bàn và quyết định trực tiếp (theo Điều 11. Pháp lệnh 34), có thể lựa chọn một trong hai hình thức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp sau đây:

- Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố.

- Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

  1. Thẩm quyền lựa chọn hình thức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp (theo Điều 1. Nghị quyết liên tịch số 09)

- Đối với các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố quyết định lựa chọn một trong các hình thức để đưa ra nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố (trừ việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố).

- Các công việc trong phạm vi cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng cấp quyết định lựa chọn một trong các hình thức để đưa ra nhân dân toàn cấp xã bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định các công việc trong phạm vi toàn cấp xã.

  1. Tổ chức họp bàn và quyết định trực tiếp đối với các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố

Trường hợp lựa chọn hình thức tổ chức cuộc họp để nhân dân bàn và quyết định các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố, thực hiện như sau:

* Tổ chức họp thôn, tổ dân phố (theo khoản 1. Điều 2. Nghị quyết liên tịch số 09)

- Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố phối hợp với Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố tổ chức họp thôn, tổ dân phố.

- Cuộc họp của thôn, tổ dân phố được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự.

- Trường hợp thôn, tổ dân phố có trên 200 hộ gia đình, có địa bàn dân cư sống không tập trung thì có thể tổ chức các cuộc họp theo từng cụm dân cư.

+ Mỗi cụm dân cư có từ 70 đến 150 hộ gia đình. Cuộc họp của mỗi cụm dân cư được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong cụm dân cư tham dự.

+ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp kết quả cuộc họp ở từng cụm dân cư vào kết quả chung của toàn thôn, tổ dân phố.

* Trình tự tổ chức cuộc họp (theo khoản 1.Điều 2.Nghị quyết liên tịch số 09)

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tuyên bố lý do, nếu mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc họp; giới thiệu người để cuộc họp biểu quyết cử làm thư ký.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trình bày những nội dung cần đưa ra để cuộc họp xem xét.

- Những người tham gia cuộc họp thảo luận.

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp chung các ý kiến của những người tham gia cuộc họp; đề xuất phương án biểu quyết. Việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do cuộc họp quyết định.

+ Nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì kết quả cuộc họp có giá trị thi hành. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lập biên bản và thông báo đến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về kết quả cuộc họp.

+ Trường hợp không đạt trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức lại cuộc họp.

* Tổ chức lại cuộc họp (theo khoản 1. Điều 3. Nghị quyết liên tịch số 09)

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức lại cuộc họp để tiếp tục bàn và quyết định nội dung công việc mà cuộc họp trước đó chưa tán thành.

- Thời gian tổ chức lại cuộc họp chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp trước đó.

- Trình tự tổ chức lại cuộc họp như trình tự tổ chức họp thôn, tổ dân phố.

- Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp hoặc tổ chức lại mà kết quả vẫn chưa được trên 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình không dự họp để tổng hợp chung vào kết quả của cuộc họp liền trước đó.

* Kết hợp tổ chức họp với tổ chức phát phiếu lấy ý kiến những cử tri không tham dự cuộc họp (theo Điều 5. Nghị quyết liên tịch số 09)

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân số phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của những cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình không tham dự cuộc họp để tổng hợp chung vào kết quả của cuộc họp liền trước đó

- Trên cơ sở tổng hợp kết quả cuộc họp và kết quả lấy ý kiến những cử tri không dự họp, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì có giá trị thi hành.

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lập biên bản xác nhận kết quả kết hợp giữa cuộc họp với phát phiếu lấy ý kiến những cử tri không dự họp và thông báo đến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố.

  1. Tổ chức phát phiếu lấy ý kiến đối với các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố (theo Điều 4. Nghị quyết liên tịch số 09)

Trường hợp lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến để quyết định các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố, thực hiện như sau:

* Trách nhiệm triển khai: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức phát phiếu lấy ý kiến.

* Thành phần lấy ý kiến: Cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

* Trình tự tổ chức phát phiếu lấy ý kiến:

+ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận xây dựng kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến; thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến có từ 3 đến 5 người.

+ Tổ phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp đến thành phần nêu trên.

+ Tổ phát phiếu thu phiếu đã được góp ý và tổng hợp kết quả lấy ý kiến.

- Nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì kết quả lấy ý kiến có giá trị thi hành.

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lập biên bản xác nhận và thông báo đến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về kết quả lấy ý kiến.

  1. Tổ chức họp bàn và quyết định trực tiếp đối với các công việc trong phạm vi toàn cấp xã

Trường hợp lựa chọn hình thức tổ chức cuộc họp để nhân dân bàn và quyết định các công việc trong phạm vi cấp xã, thực hiện như sau:

* Tổ chức họp thôn, tổ dân phố (khoản 2.Điều 2. Nghị quyết liên tịch số 09):

- Chủ tịch UBND cấp xã sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức họp thôn, tổ dân phố.

Trình tự tổ chức như cuộc họp: như cuộc họp thôn, tổ dân phố.

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sau khi tổng hợp kết quả cuộc họp ở thôn, tổ dân phố, gửi kết quả đến Chủ tịch UBND cấp xã.

- Trên cơ sở tổng hợp kết quả các cuộc họp từ các thôn, tổ dân phố, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì kết quả cuộc họp ở toàn cấp xã có giá trị thi hành.

Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản xác nhận kết quả họp của toàn cấp xã và thông báo bằng văn bản đến các Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố;

- Trường hợp không được trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp. Việc tổ chức lại cuộc họp thực hiện như tổ chức lại cuộc họp.

* Tổ chức lại cuộc họp (khoản 2. Điều 3. Nghị quyết liên tịch số 09):

- Chủ tịch UBND cấp xã yêu cầu tổ chức lại cuộc họp ở những thôn, tổ dân phố chưa được trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.

- Trường hợp không tổ chức lại được cuộc họp hoặc tổ chức lại mà kết quả tổng hợp vẫn chưa được trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì tiến hành phát phiếu lấy ý kiến những cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình không tham dự họp để tổng hợp chung vào kết quả cuộc họp ở các thôn, tổ dân phố.

* Kết hợp tổ chức họp với tổ chức phát phiếu lấy ý kiến những cử tri không tham dự cuộc họp (Điều 5. Nghị quyết liên tịch số 09)

- Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức phát phiếu lấy ý kiến những cử tri không tham dự cuộc họp.

- Việc tổ chức lấy ý kiến những cử tri không tham dự cuộc họp được tiến hành ở tất cả thôn, tổ dân phố trên địa bàn.

- Chủ tịch UBND cấp xã tổng hợp chung kết quả cuộc họp liền trước đó với kết quả lấy ý kiến những cử tri không tham dự họp ở tất cả các thôn, tổ dân phố, nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì có giá trị thi hành.

- Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản xác nhận kết quả và thông báo đến các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến các hộ gia đình.

  1. Tổ chức phát phiếu lấy ý kiến đối với các công việc trong phạm vi toàn cấp xã (theo Điều 4. Nghị quyết liên tịch số 09)

Trường hợp lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến để quyết định các công việc trong phạm vi cấp xã, thực hiện như sau:

* Trách nhiệm triển khai: Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp với Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng cấp chỉ đạo các trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn từng thôn, tổ dân phố.

* Trình tự tổ chức phát phiếu lấy ý kiến:

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với trưởng ban công tác Mặt trận xây dựng kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến; thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến có từ 3 đến 5 người.

- Tổ phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình để phát phiếu cho cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

- Tổ phát phiếu lấy phiếu của các cử tri đã góp ý và tổng hợp kết quả lấy ý kiến

- Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sau khi tổng hợp kết quả phiếu lấy ý kiến ở thôn, tổ dân phố, gửi kết quả cho Chủ tịch UBND cấp xã.

- Nếu có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn cấp xã tán thành thì kết quả lấy ý kiến có giá trị thi hành.

- Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản xác nhận kết quả và thông báo bằng văn bản đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến các hộ gia đình.

Tin tức
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang